Học đại học ra làm thợ xây, nghe thì chẳng hơn gì người không học, nhưng ngoài tay nghề, họ còn có tư duy tầm cao, làm đâu chắc đó.

Đọc bài viết "Đại học không còn là một khoản đầu tư an toàn" cũng nhiều ý kiến đánh giá thấp giá trị của tấm bằng đại học bây giờ, tôi cho rằng đó là một suy nghĩ sai lầm.

Nhiều người cứ vin vào cái lý "thừa thầy thiếu thợ" để cho rằng học đại học không còn là khoản đầu tư khôn ngoan. Nhưng họ không hiểu một điều rằng học đại học thực chất không phải để ra trường làm "thầy", mà những kiến thức trên giảng đường sẽ giúp bạn trở thành những người "thợ" chất lượng cao.

Muốn làm "thầy", người học cần phải tự nghiên cứu, bỏ công sức và phấn đấu rất nhiều, chứ không phải cứ học lớt phớt bốn năm đại học rồi đòi hỏi ra trường phải có việc nhẹ lương cao ngay. Công việc nào cũng có ý nghĩa, mỗi người sẽ có một vị trí riêng, và tất cả đều sẽ đóng góp công sức cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Học đại học ra làm thợ xây nghe thì có vẻ chẳng hơn gì người không học cao. Nhưng ngoài tay nghề, họ còn có cái tư duy tầm cao, nên làm đâu chắc đó, xây đến đâu an toàn đến đó. Đấy là thứ tạo nên sự khác biệt với người không được đào tạo kiến thức chuyên sâu. Đừng coi thường những công việc mà chúng ta cứ cho là "không cần học đại học cũng làm được", đó là một suy nghĩ rất sai lầm.

>> Tuổi 50 chạy ăn từng bữa vì xem thường việc học

Chúng ta muốn đòi hỏi thu nhập cao thì đầu tiên mỗi người phải đầu tư kiến thức, cái tâm, cái tầm vào chính bản thân mình. Ngoài ra, xét về mặt vĩ mô, không có những người "thợ" chất lượng cao (tốt nghiệp đại học) thì kinh tế đất nước làm sao phát triển được? Mỗi một vị trí công việc đều là một mắt xích quan trọng trong cả bộ máy kinh tế đất nước. Chúng ta nên trân trọng điều đó cho dù đang ở bất kỳ vị trí nào.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất không phải là tranh cãi chuyện có nên học đại học hay không? Thay vào đó, chúng ta nên phấn đấu làm sao để tất cả người Việt trong tương lai đều phải đạt được tấm bằng đại học một cách thực chất. Đó là tiền đề để nền tảng dân trí chung được cải thiện. Hiện nay, chúng ta chỉ ở tầm tỷ lệ có bằng tốt nghiệp cấp hai là nhiều nhất, nên trình độ dân trí cũng chưa thể cao được.

Tóm lại, chỉ có cách thúc đẩy giáo dục phát triển và nền tảng kiến thức, sao cho các em học sinh đạt tỷ lệ tốt nghiệp cấp ba toàn cả nước, tiến tới xa hơn nữa là bậc đại học. Lúc đấy, ý thức, nhận thức, tư duy, kiến thức của người Việt chắc chắn sẽ lên một tầm cao mới.

Nhu Chung