Thưa rằng, chúng tôi sợ nhất kẹt xe nhì ngập nước. Hai "món" này tới cùng lúc nữa thành khổ hết chỗ nói!

TP.HCM: Người dân khổ sở với kẹt xe và ngập nước  第1张

Ngập nước và kẹt xe trên quốc lộ 13 ở TP Thủ Đức (hướng quận Bình Thạnh đi Bình Dương) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Chiều 8-10, chúng tôi có một cuộc họp mặt ở gần bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh. Tôi đi xe máy từ quận 1, qua khỏi ngã tư Hàng Xanh, vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, dòng xe bắt đầu kẹt cứng, tiến không được, lùi không xong.

Cuộc họp mặt tự động phải hủy vì mọi người bị chôn chân giữa dòng xe gần như không nhúc nhích dù cách nơi cần đến chỉ 1 - 2km. Và chúng tôi mệt phờ khi quay về nhà lúc 20 - 21h.

Nhiều người bạn của tôi mất hơn hai tiếng đồng hồ mới thoát khỏi dòng xe từ Hàng Xanh ra hướng Bình Triệu. Hình ảnh trên Tuổi Trẻ Online cho thấy rất nhiều con đường xung quanh Hàng Xanh, bến xe Miền Đông (cũ) đều kẹt cứng.

  • TP.HCM: Người dân khổ sở với kẹt xe và ngập nước  第2张

    Cách nào giải quyết kẹt xe không lối thoát ở Bình Thạnh?ĐỌC NGAY

Trong dòng xe đó, có không ít xe lấn làn. Cảnh này vốn thường thấy trong mọi lần kẹt xe, cho đến khi tất cả kẹt cứng, lại cùng nhau ngộp thở, mệt phờ chờ lối thoát. Xe máy thấy trống thì chen, ô tô nóng ruột cũng lắm khi đi chung làn xe máy. Làn đường hỗn hợp càng dễ cùng nhau mắc kẹt.

Ai cũng nói kẹt xe do hạ tầng giao thông không đủ đáp ứng cho dân số và lượng xe cá nhân liên tục tăng ở thành phố này. Trong trận kẹt xe nhớ đời chiều 8-10 còn có nguyên nhân từ nước ngập. Tình hình càng thảm hơn khi tất cả các con hẻm gần đó hoặc ngập nước hoặc kẹt đầy xe.

Sự việc này nhắc nhớ về ý thức lái xe, về hạ tầng giao thông cửa ngõ thành phố, về việc thoát nước trong và sau các cơn mưa. Thành phố còn nhiều khu vực kẹt xe ngập nước khác, còn bao nhiêu nơi dòng xe máy leo lề, cày bong tróc gạch vỉa hè sau mỗi ngày kẹt xe.

Và bao nhiêu nơi lòng đường, ngõ hẻm bị lấn chiếm ngày và đêm. Bao nhiêu rác thải đổ vô tội vạ xuống lòng cống thoát nước... Trăm nguyên nhân đổ dồn lại thành nỗi khổ dài lâu của cư dân thành phố.

Giải pháp nào cứu cư dân đô thị TP.HCM thoát khỏi cảnh khổ như ở Bình Thạnh chiều 8-10? Hẳn nhiên cần giải pháp trước mắt và dài lâu. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng đường, dự án thoát nước, chống triều cường đang có, đây là mong ước lớn nhất của chúng tôi.

Có vậy mới mong những trận kẹt xe kinh hoàng như vừa rồi sẽ có thể giảm đi. Còn ngược lại, tôi không quá bi quan nhưng thực tế cho thấy tình trạng này sẽ còn tái diễn, nhiều hơn nữa, nghiêm trọng hơn nữa nếu các giải pháp đều chậm có hiệu quả.

Ví dụ như việc hạn chế xe cá nhân vào nội đô, chuyện này đã hàng chục năm chưa thể làm được vì có quá nhiều ý kiến bàn lùi. Việc tuân thủ luật giao thông khi lái xe, không chen ngang lấn làn... ai cũng hiểu nhưng không làm.

Khi ùn tắc thì người xe như ong vỡ tổ tìm đường ngang lối tắt để có thể đi nhanh hơn người khác, không có kỷ luật gì cả! Đường hẹp xe đông đã ngán rồi, nhìn bà con mình giành đường mỗi lần kẹt xe còn ngán hơn.

Đã sống ở đô thị này, đã và sẽ lại trải qua những trận kẹt xe như hôm rồi, tôi lại mong chờ những giải pháp khả thi nhất, nhanh chóng nhất. Chẳng hạn như giải pháp đường trên cao, cần làm nhanh nhất bởi có thể ít vướng mắc, ít tốn kém, ít mất thời gian hơn so với việc chờ mở rộng đường đô thị chật kín nhà cửa này.

Và tôi mong các công trình chống ngập của thành phố sớm có hiệu quả rõ rệt. Thoát nước tốt hơn sẽ giảm kẹt xe ngày mưa. Kẹt xe đã quá khổ rồi, kẹt giữa "biển" nước từ đường vô hẻm nữa thật quá ngán và quá khổ!

Chống ngập để hạn chế kẹt xe

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện tại TP.HCM có 19 tuyến đường trục chính thường xuyên bị ngập do mưa và triều cường. Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) không nằm trong danh sách này.

Nhưng theo ghi nhận thực tế thời gian qua, tuyến đường này thường xuyên ngập do mưa, do đó xe máy thường chạy ra giữa đường hoặc lấn làn hướng ngược lại để đi, gây kẹt xe.

Để giải quyết vấn đề ngập nước hạn chế kẹt xe, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, Sở Xây dựng cho biết sẽ đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các dự án chống ngập và cải thiện đường thoát nước đã có kế hoạch.

Ngoài ra Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng khả năng thoát nước.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều, vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập, phối hợp với các đơn vị liên quan để đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới.

Bên cạnh đó tổ chức kiểm tra, tối ưu hoạt động của các trạm bơm, cống ngăn triều hiện hữu như: Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa.

Mở rộng đường: lối thoát kẹt xe cho quận Bình Thạnh

TP.HCM: Người dân khổ sở với kẹt xe và ngập nước  第3张

Ùn ứ giao thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Liên quan đến tình trạng kẹt xe diễn ra ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), nhiều người cho rằng cần sớm mở rộng đường Ung Văn Khiêm và các đường lân cận để thoát xe thuận lợi hơn vào giờ cao điểm.

Liên quan về quy hoạch, chuẩn bị các dự án giao thông để giải quyết tình trạng kẹt xe ở quận Bình Thạnh, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã có kế hoạch nâng cấp và mở rộng một số đường trong khu vực như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13, đường Chu Văn An và đường ven sông Sài Gòn.

Cụ thể, đối với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu) được quy hoạch chiều rộng 30 - 40m (hiện rộng khoảng 16 - 22m). Đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đường Điện Biên Phủ đến cầu Bình Triệu) được quy hoạch rộng 25m (hiện rộng khoảng 21m).

Cơ quan chức năng cũng đang tính toán nghiên cứu thêm phương án làm đường trên cao với hai tuyến này để giảm khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, TP.HCM quyết chi hơn 1.000 tỉ đồng cải tạo đoạn 600m đường Chu Văn An, kéo dài từ ngã năm Bình Hòa đến đường Đinh Bộ Lĩnh. Khi hoàn thiện, dự án sẽ chia lửa cho khu vực đường Ung Văn Khiêm thường xuyên bị kẹt xe.

Cuối năm 2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã công bố kế hoạch triển khai làm dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m và xây nút giao Đài liệt sĩ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui để xóa điểm kẹt xe dai dẳng.

Cụ thể, trong kế hoạch làm đường Ung Văn Khiêm, quy mô dài 1,7km, từ nút giao ngã năm Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng (quận Bình Thạnh) vào trung tâm TP.HCM.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND TP xem xét việc ưu tiên mở rộng đường này lên 30m, tổng vốn 2.396 tỉ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền theo cơ chế trong nghị quyết 98.

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian chờ TP.HCM cân đối vốn để làm các dự án, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm và tập trung phân luồng giao thông vào giờ cao điểm để giảm kẹt xe.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm thêm biển báo chỉ dẫn (các đường hẻm, lối thoát), sơn đường, lắp đặt camera giám sát. Đồng thời, tuyên truyền và xử lý lỗi của người đi đường sai luật cũng sẽ nâng cao ý thức về trật tự an toàn giao thông.

Việc quản lý tốt lòng đường, vỉa hè của địa phương cũng là những giải pháp tốt, lâu dài để giải quyết tình hình giao thông quá tải.

Anh Hồ Sỹ Tiến (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM):

Mở rộng đường, siết xử phạt lái xe vi phạm

Tôi bị kẹt cứng trong trận kẹt xe tứ phía vào tối 8-10 ở quận Bình Thạnh. Chưa bao giờ trải qua tình trạng kẹt xe khủng khiếp như vậy. Tìm đủ cách đi từ đường Nguyễn Gia Trí ra đường Ung Văn Khiêm nhưng rồi đứng yên giữa dòng xe kẹt cứng.

Người chạy lên vỉa hè, người vượt đèn tín hiệu, mong muốn thoát kẹt nhưng càng làm cho giao thông rối loạn thêm.

Để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực này, cần sớm mở rộng đường Ung Văn Khiêm và các tuyến đường, hẻm lân cận. Thứ hai là tăng cường kiểm tra để răn đe các trường hợp vi phạm giao thông.