TPHCM cần 83.000 lao động trong 3 tháng cuối năm
(Dân trí) - Trong quý IV của năm 2024, thị trường TPHCM cần thêm hàng chục nghìn lao động cho các ngành nghề như dịch vụ, hành chính, bất động sản, kế toán - kiểm toán, marketing,…
Nhu cầu nhân lực lớn
Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, thị trường lao động của thành phố trong 9 tháng đầu năm phát triển tích cực, phù hợp với xu hướng kinh tế.
Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Ảnh: Hoàng Triều).
Theo ước tính, lực lượng lao động năm nay đạt hơn 5,1 triệu người, tăng 5,61% so với năm 2023. Trong đó, số lao động có việc làm là khoảng 4,83 triệu người, tăng 3,43% - 3,59%.
Qua khảo sát 52.175 doanh nghiệp và 230.378 nơi làm việc, Trung tâm cho biết nhu cầu nhân lực trong 9 tháng đầu năm tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ (90,12%).
Các ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao từ đầu năm đến nay gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông…
Dự báo, trong 3 tháng còn lại của năm 2024, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng, cần khoảng 78.000- 83.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành công nghiệp, công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản.
Đáng chú ý, doanh nghiệp sẽ có xu hướng ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing,…
Theo ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - CN) TPHCM, chỉ tính riêng các doanh nghiệp KCX-KCN tại thành phố, nhu cầu tuyển dụng đã là 7.392 người.
Ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Ảnh: Hoàng Triều).
Phần lớn, các doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng lao động phổ thông. Đối với lao động có trình độ đại học trở lên, nhu cầu chỉ tập trung ở các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao.
"Thành phố hiện có 17 KCX-KCN với 252.131 người. Trong đó, lao động từ các tỉnh, thành khác chiếm 71,5%. Vì thế, nhu cầu về nhà ở, giáo dục, y tế… là rất lớn. Doanh nghiệp phải đảm bảo trước hết về tiền lương cho người lao động, sau đó tính đến các nhu cầu sống như nhà lưu trú, nhà trẻ, chính sách chăm sóc sức khỏe…", ông Hiếu nói.
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tuyển dụng
Ông Đàm Trung Hiếu cho biết các doanh nghiệp đang có xu hướng chú trọng đào tạo, phát triển kỹ năng cho người lao động để nâng cao hiệu quả tuyển dụng và giữ chân nhân sự.
"Nhiều doanh nghiệp đã đưa nhân sự ở các vị trí như tổ trưởng, chuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban, giám đốc... sang công ty mẹ ở nước ngoài để đào tạo. Thời gian đào tạo có thể ngắn hạn hoặc dài hạn, nhằm từng bước nâng cao trình độ, thay thế chuyên gia nước ngoài", ông Hiếu cho hay.
Các tổ chức cố gắng đảm bảo tất cả người lao động đều được trang bị kiến thức về luật lao động và văn hóa ứng xử trong lao động trước khi vào làm việc.
Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM cũng đang phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, quản trị mạng, an ninh mạng, điều khiển công nghệ…
Ngoài ra, các đơn vị sẽ cùng thực hiện công tác "đào tạo song hành" giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức sẽ thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM, cho biết sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã đạt rất nhiều kết quả nổi bật.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, nếu muốn lấp đầy "khoảng trống" nhân sự, trước hết, các doanh nghiệp cần đảm bảo đời sống cho người lao động (Ảnh: Hoàng Triều).
"Lợi thế của thị trường lao động Việt Nam chính là con số 52,4 triệu lao động và tỉ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận người lao động.
Các doanh nghiệp phải biết cách liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để không lãng phí nguồn lực và tránh việc tốn kém ngân sách khi phải đào tạo lại từ đầu khi tiếp nhận người lao động", ông Thắng nói.
Để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, ông cho rằng doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ… dành cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cho người lao động thấy bản thân họ được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Đăng thảo luận