Đại lộ Thăng Long dài 30km, điểm đầu được tính từ nút giao Trung Hòa (Cầu Giấy), điểm cuối ở vị trí nút giao Hòa Lạc. Tại điểm đầu, cây xanh được trồng đa tầng phía trên kết hợp thảm cỏ được tạo hình ở mặt đất, quy mô lên đến 5 hàng cây xanh tạo nên hệ thực vật phong phú.
Trước khi bão số ba đổ bộ, hệ thực vật xanh mát dày đặc khiến những con đường như nhỏ lại, cảm giác mát mẻ. Đặc biệt ở dải phân cách giữa rộng hàng chục mét, cây bóng mát tầng cao được trồng dày đặc.
Tuy nhiên sau khi bão số 3 đi qua, những "cánh rừng" ven Đại lộ Thăng Long trở nên xơ xác, tan hoang do sức mạnh của gió bão. Hàng nghìn cây keo có độ tuổi hơn chục năm đã đổ gãy, nghiêng ngả.
Cảnh tượng thời điểm bão số 3 vừa đi qua làm ám ảnh nhiều người đi đường, hai bên đường gom cây đổ, lá rụng tạo thành lớp thảm màu xanh. Những ngày sau bão, lực lượng chức năng đã dọn dẹp, cắt bỏ thân cây đổ ra đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Nhìn từ trên cao, những thảm xanh trước đây giờ loang lổ màu vàng nâu của cây chết.
Phía dưới, nhiều cây bật gốc, xơ xác, tiêu điều.
Nhiều thân cây keo cao lớn, khỏe mạnh bị bão số 3 quật gãy.
Thống kê sau bão số 3, Hà Nội có hơn 20.000 cây bị gãy đổ, trong đó có khoảng 8.700 cây đô thị. Số cây có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây.
Theo ghi nhận, số cây bị đổ do bão số 3 dọc theo Đại lộ Thăng Long chủ yếu là cây keo. Đây không phải là loại cây đô thị mà là cây trồng lấy gỗ. Với những cây đã đổ gãy giờ chỉ có cắt bỏ chứ không trồng lại.
Phía đường gom Đại lộ Thăng Long có nhiều cây đổ. Lực lượng chức năng mới chỉ cắt bỏ tán lá còn phần thân vẫn đổ ra đường, chiếm gần hết một làn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đại lộ Thăng Long rộng 140m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận