Thái Lan đã khởi động gói kích thích kinh tế trị giá 14 tỷ USD với việc phân phối tiền mặt cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trái ngược với những mong đợi, chương trình này khó có thể giúp nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á vực dậy sau nhiều năm trì trệ cũng như cải thiện rõ ràng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dự án hỗ trợ 10.000 baht (khoảng 300 USD) cho mỗi người dân là một trong những cam kết hàng đầu của Đảng cầm quyền Pheu Thai, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như: nợ hộ gia đình cao, xuất khẩu yếu và sự sụt giảm doanh thu từ du lịch.

Tranh cãi xoay quanh gói kích thích kinh tế của Thái Lan  第1张 Nhiều chuyên gia hoài nghi về gói kích thích mới này. Ảnh: EPA

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, đảng này đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách trên do vấp phải sự phản đối từ một số chính trị gia, ngân hàng trung ương, với những lo ngại về chi phí cũng như nguồn tài trợ.

Tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang triển khai chương trình theo từng giai đoạn, với việc chính phủ dự kiến giai đoạn đầu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 0,35 điểm phần trăm trong năm nay.

Trong giai đoạn này, khoảng 14,5 triệu người, bao gồm nhiều nhóm dân cư đang gặp khó khăn, sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Khác với dự định ban đầu là phân phối qua ví kỹ thuật số, khoản tiền này hiện được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của người nhận.

Trong sự kiện ra mắt chương trình, bà Paetongtarn cho biết: “Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người dân, hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn, thách thức cũng như tạo ra các cơ hội kinh tế.”

Bà cũng nhấn mạnh sẽ có thêm các chính sách kích thích khác sau chương trình này.

Khoảng 36 triệu người Thái đã đăng ký nhận trợ cấp, tuy nhiên các nhà kinh tế cho biết tác động của chương trình sẽ hạn chế và gần như không đủ khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế mang tính cấu trúc và bất ổn chính trị mà đất nước đang đối mặt.

Thái Lan chỉ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5% của quốc gia láng giềng Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Quốc gia này cũng đang đối mặt với thách thức từ nợ hộ gia đình cao, chiếm đến hơn 90% GDP và là một trong những mức cao nhất ở châu Á. Nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu yếu và tình trạng suy giảm của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.

Luca Castoldi, giám đốc đầu tư tại Reyl Intesa Sanpaolo, nhận định: “Chương trình ví kỹ thuật số sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong ngắn hạn. Tuy nhiên nếu không đi kèm với cải cách cơ cấu, đây chỉ là biện pháp tạm thời và không phải là mấu chốt để giải quyết triệt để những thách thức kinh tế.”

Một số người hoài nghi chương trình này sẽ không được triển khai đầy đủ do những áp lực mà gia đình Shinawatra đang phải đối mặt, chẳng hạn như những mâu thuẫn với giới quân sự và hoàng gia. Bà Paetongtarn, 38 tuổi, là con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, và em gái của bà, Yingluck Shinawatra, cũng từng bị quốc hội phế truất năm 2015 sau các cáo buộc về quản lý yếu kém chương trình trợ giá gạo.

Cựu thủ tướng Srettha Thavisin, người bị Tòa án Hiến pháp phế truất vào tháng 8 để nhường chỗ cho bà Paetongtarn, đã không thể triển khai chương trình ví điện tử do vấp phải những phản đối quyết liệt.

Bày tỏ nghi ngờ về lợi ích của chương trình, Ngân hàng trung ương Thái Lan cho rằng sáng kiến này có độ rủi ro cao và khó có thể mang lại lợi ích thiết thực trên thực tế.

Nhà kinh tế Lavanya Venkateswaran từ OCBC cho biết nếu được triển khai đầy đủ, chương trình này có thể giúp GDP tăng thêm 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra hoài nghi về việc liệu chương trình có thể mang lại tăng trưởng bền vững và thực sự giải quyết các vấn đề cấu trúc của nền kinh tế hay không.