Tập đoàn bán dẫn lớn thứ hai thế giới TSMC khẳng định hầu như không bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn nhất trong 25 năm qua tại Đài Loan.
Một cơ sở sản xuất của TSMC tại thành phố Đài Nam, đảo Đài Loan - Ảnh: REUTERS
Thiệt hại không đáng kể sau động đất
Chia sẻ với trang tin Fortune, đại diện Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - công ty bán dẫn lớn thứ hai thế giới - tự tin khẳng định các siêu phức hợp sản xuất chip khổng lồ của mình gần như không bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,2 độ sáng 3-4.
Đại diện tập đoàn này cho biết ngay khi trận động đất xảy ra, TSMC đã sơ tán các công nhân tại một số cơ sở sản xuất và cho tạm dừng dây chuyền theo quy trình phòng ngừa rủi ro của mình. Tuy nhiên toàn bộ số nhân sự này đã quay lại làm việc chỉ sau ít giờ, bất chấp việc vừa trải qua trận động đất với cường độ mạnh nhất trong 25 năm.
Bên cạnh đó, TSMC cũng chỉ ghi nhận thiệt hại với "số lượng nhỏ" máy móc và đã khôi phục hoạt động của 70% tổng số máy móc trong vòng 10 giờ sau trận động đất. Các "trang bị quan trọng" như hệ thống quang khắc cực tím, vốn trị giá hàng triệu USD, hoàn toàn nguyên vẹn.
"TSMC đang điều động mọi nguồn lực để khôi phục hoàn toàn hoạt động. Các cơ sở bị ảnh hưởng bởi động đất dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong đêm", đại diện tập đoàn chia sẻ với Fortune.
Những tuyên bố trên phần nào trấn an dư luận thế giới về hậu quả lâu dài của trận động đất sáng 3-4. Tập đoàn TSMC hiện là đơn vị sản xuất chip độc lập lớn nhất thế giới, chuyên nhận gia công chip cho các hãng thiết kế chip đình đám như Nvidia, Apple, AMD...
Do đó, việc các dây chuyền của tập đoàn này ngừng sản xuất hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip và ảnh hưởng nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không ngừng cải thiện khả năng chống động đất
Một số tòa nhà ở huyện Hoa Liên bị nghiêng sau trận động đất sáng 3-4 - Ảnh: AFP
Việc chỉ nhận thiệt hại nhẹ sau trận động đất nặng nề phần lớn nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của tập đoàn này với các thảm họa tự nhiên.
Với việc nằm trên vành đai Thái Bình Dương, một trong các khu vực có tần suất hoạt động địa chấn dày đặc bậc nhất thế giới, đảo Đài Loan hứng chịu đến 2.200 trận động đất, theo cơ quan khí tượng thủy văn hòn đảo. Trong số đó, khoảng 200 trận đủ mạnh để có thể cảm nhận bởi con người.
"Các hoạt động địa chấn là thách thức lớn với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất yêu cầu sự chính xác ở mức độ cao nhất như chất bán dẫn. Nhưng đây là điều mà các đơn vị sản xuất chip của Đài Loan đã phải đối phó từ trong trứng nước", nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại đơn vị nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics Mark Williams khẳng định.
Động đất mạnh 7,2 độ ở Đài Loan, 9 người chết và 821 người bị thươngĐỌC NGAY
TSMC bắt đầu nghiêm túc đầu tư vào việc tăng cường khả năng đối phó thiên tai từ sau trận động đất 7,6 độ hồi năm 1999 khiến 2.415 người chết tại hòn đảo này.
Tập đoàn này đặc biệt chú trọng việc gia cố các tòa nhà do mình xây dựng. Điều này khiến khả năng chống chịu địa chấn của các tòa nhà chính thuộc TSMC cao hơn đến 25% tiêu chuẩn chung ở Đài Loan. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn triển khai nhiều biện pháp bảo hộ cho hệ thống máy móc của mình.
Theo thời gian, doanh nghiệp này cũng không ngừng cải tiến kết cấu hạ tầng, điển hình như việc lắp đặt các cấu trúc giảm chấn nhằm triệt tiêu động năng do động đất gây ra. Nhờ đó, tác động của các hoạt động địa chấn lên những tòa nhà của tập đoàn bị giảm từ 15 - 20%.
Thậm chí, hồi năm 2015, TSMC đã lắp đặt một hệ thống cảnh báo động đất sớm tối tân. Nhờ những sự đầu tư trên, TSMC khá tự tin trước việc đối phó với các hiện tượng địa chấn.
Đăng thảo luận