Trước sự cố tàu hỏa liên tục trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành đường sắt từng điều tra nguyên nhân dẫn đến những sự cố như vậy.
Tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua đoạn đường sắt thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế hôm 7-8 - Ảnh: BẢO PHÚ
Ngày 1-10, thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân hai vụ tàu chở hàng trật bánh khỏi đường ray khi đi ngang qua đoạn đường sắt thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế vào hôm 28-9.
Trước đó cung đường sắt qua huyện này đã ghi nhận 4 vụ tàu Bắc - Nam bị trật bánh trong vòng chỉ hơn 1 tháng.
Thêm một vụ tàu trật bánh ở HuếĐỌC NGAY
Theo đó, từ ngày 28-7 đến 15-9 đã có 4 vụ tàu hỏa chở khách Bắc - Nam bị trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt ở ga Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đáng chú ý các vụ trật bánh xảy ra khi tốc độ chạy tàu không quá nhanh.
Trong đó tàu SE2 chạy hướng Nam - Bắc có hai lần bị trật bánh vào ngày 7-8 và ngày 31-8.
Sau các vụ tai nạn tàu trật bánh liên tiếp, ngành đường sắt đã mở một cuộc điều tra để tìm nguyên nhân các vụ tai nạn.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hồng Hải, giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết nguyên nhân các vụ trật bánh tàu liên tiếp xảy ra là bởi thiết kế hệ thống chuyển ray đường sắt (ghi) ở đường sắt số 1 tại ga Lăng Cô có góc chuyển hướng khá lớn, khắc hẳn với thiết kế ghi đường sắt ở các ga tàu khác.
Các toa tàu xảy ra sự cố cũng được xác định có kết cấu đặc biệt với lò xo không khí và cự ly trục bánh xe lớn (2,2m).
Trước đây những toa tàu này chạy theo tuyến đường sắt khác, chứ không qua đoạn đường sắt số 1 ở ga Lăng Cô nói trên nên không xảy ra sự cố trật bánh.
Tuy nhiên gần đây ngành đường sắt tăng chuyến tàu nên tần suất các toa tàu Bắc - Nam chạy vào đoạn đường ray nói trên nhiều lên.
Tàu chở hàng bị trật bánh khi qua đoạn đường sắt giữa ga Lăng Cô và ga Thừa Lưu (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vào rạng sáng 28-9 - Ảnh: N.H.
Do toa tàu có cự ly trục bánh xe lớn, khi chạy qua đoạn ghi có góc chuyển hướng lớn nên dễ xảy ra trật bánh dù ở tốc độ chậm.
Theo ông Hải, để tránh việc trật bánh tàu, ngành đường sắt đã hạn chế cho tàu chở khách chạy qua đường sắt số 1 khi vào ga Lăng Cô.
Đồng thời cũng kiến nghị kiểm tra lại toàn bộ hệ thống ghi đường sắt trên tuyến đường này, sau đó sẽ bố trí vốn để thay thế, tu sửa đường sắt số 1 ở ga Lăng Cô theo đúng quy chuẩn hiện hành.
Đăng thảo luận