Ví Moca thông báo dừng hoạt động sau 5 năm về tay Grab

(Dân trí) - Ngày 31/5, ví điện tử Moca gửi thông báo về việc ngừng dịch vụ tới người dùng trên ứng dụng Grab.

Công ty vận hành ví điện tử cho biết "đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững". Công ty ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca từ ngày 1/7.

Công ty này cho biết khách hàng nếu còn số dư trong ví có thể chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay cho đến hết ngày 30/6.

Từ ngày 1/7, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản. Thông báo cho biết để tiếp tục trải nghiệm sự tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị này hy vọng người dùng sẽ cân nhắc chuyển sang các hình thức khác đang khả dụng trên ứng dụng Grab.

Trước đó hồi đầu tháng 4, công ty vận hành Moca cũng thông báo đổi địa chỉ trụ sở chính. Công ty có tên đầy đủ là Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ Moca, được thành lập năm 2013.

Ví Moca thông báo dừng hoạt động sau 5 năm về tay Grab  第1张

Thông báo dừng hoạt động của ví điện tử Moca (Ảnh chụp màn hình).

Ví điện tử này được phát triển bởi nhóm chuyên gia và kỹ sư Việt Nam làm việc tại Microsoft, Google. Trong đó, nổi bật nhất là ông Trần Thanh Nam và ông Nguyễn Quang Dũng.

Ông Nam là nhà đồng sáng lập Mobivi - ví điện tử đầu tiên ở Việt Nam sau khi rời vị trí Giám đốc Sản phẩm tại Microsoft ở Mỹ. Còn ông Dũng được xem là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Google.

Ngày 25/2/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ MOCA.

Năm 2018, thông tin từ DealstreetAsia cho biết Grab mua lại 3,523% cổ phần Moca từ quỹ Access Venture Capital. Ví điện tử này trở thành phương thức trung gian thanh toán duy nhất trên ứng dụng Grab.

Tuy nhiên tháng 3/2023, Grab mở rộng phương thức thanh toán cho ví điện tử Zalopay. Đến tháng 11/2023, ứng dụng mở thêm phương thức thanh toán qua MoMo. Từ con cưng của Grab, Moca buộc phải chia sẻ thị phần với 2 ví điện tử khác.