Vườn treo với lối thiết kế phủ kín mảng tường bằng hệ cây cảnh đang được nhiều người ưa chuộng vì đáp ứng về một không gian xanh mát nhưng ít tốn diện tích nhà phố.
Mô hình này còn gọi là vườn tường, kiểu kiến trúc trồng cây theo phương thẳng đứng trên một bức tường thay vì dưới mặt đất, thường sử dụng phương pháp trồng thủy canh hoặc thổ canh.
Lê Kiều (Thành phố Thủ Đức) sau lần ấn tượng với cảnh quan vườn treo ở sảnh chờ của một sân bay, đã quyết định cải tạo khu vườn đất nhà mình theo mô hình tương tự.
Khu vườn treo được Kiều đặt ở sân trước, giáp ranh với mặt hông nhà hàng xóm. Bức tường cây thành hình nhờ hệ khung sắt làm bệ đỡ, phía dưới lót lũa chuyên dụng cho trồng trọt, trang trí thêm khung mặt trăng phát sáng vào buổi đêm để tạo điểm nhấn.
Khu vườn rộng hơn 40 m2 được Kiều phủ kín bởi hơn 60 cây dương xỉ, trầu bà Nam Mỹ xum xuê, những dòng kiểng lá rậm rạp gồm Monstera, Anthurium, Ficus... phối với nhau theo tầng lớp và bố cục như một khu rừng rậm.
"Vườn dạng này không đòi hỏi tỉa tót, chăm sóc nhiều. Tôi lắp thêm hệ thống tưới phun sương tự động nên việc làm vườn cũng nhẹ nhàng hơn", Kiều cho hay. Theo cô, vườn treo giúp giảm 2-3 độ so với nhiệt độ bên ngoài, lọc không khí tốt cho người lớn tuổi và trẻ em trong nhà.
Bức tường cây vừa dùng làm vách ngăn với hàng xóm vừa là khu vườn nhỏ trước nhà của Kiều. Ảnh: Lê Kiều
Sống trong nhà phố dạng hộp, thiếu nơi làm vườn tạo mảng xanh, Thanh Huy (TP HCM) cũng chọn cách làm vườn treo để nhà "dễ thở" hơn.
Vườn tường 2 năm tuổi của Huy có phần khung sắt làm trụ đỡ, chậu được bố trí sát nhau, sắp xếp bố cục dạng tầng để cây đủ không gian phát triển. Bức tường cây có diện tích 48 m2, chủ yếu trồng các dòng kiểng lá như Philodendron, Monstera, Gloriosum... cùng cây leo, bụi, dây rừng để tạo độ rũ.
Huy chọn các giống cây không cần quá nhiều ánh sáng và có khả năng lọc không khí tốt. Anh cho biết do tự thi công và nhờ bạn bè giúp đỡ nên chi phí không quá cao. Ít thời gian tưới tiêu và chăm bón nên Huy lắp thêm hệ thống tưới tự động và hẹn giờ cho vườn.
"Đến giờ, tôi vẫn chưa thấy hạn chế của vườn treo này. Bố cục, cách sắp xếp chậu dễ dàng thay đổi tùy vào sở thích của mình, dễ chăm sóc và hơn hết là ít tốn diện tích khi thi công trong nhà phố", Huy nói.
Vườn tường của Huy tạo cảm giác như một khu rừng thu nhỏ trong nhà phố. Ảnh: Thanh Huy
Không chỉ Kiều hay Huy, mà nhiều chủ nhà khác cũng thích mô hình này. Bởi việc bố trí khoảnh vườn theo dạng treo là một giải pháp tạo khoảng xanh hợp lý trong không gian nhà phố, lại dễ thực hiện. Đây sẽ là nơi thư giãn lý tưởng cho chủ nhà.
Ông Nguyễn Văn Hiệu (Công ty thiết kế cảnh quan Zions Landscapes) cho rằng xu hướng làm vườn treo ở Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là trong các khu đô thị lớn - nơi không gian mặt đất bị hạn chế - bởi dạng vườn này sẽ tận dụng diện tích theo phương đứng. Vườn treo đáp ứng được yêu cầu của gia chủ về một không gian nhiều cây cối nhưng vẫn gọn gàng, ngăn nắp.
Theo chuyên gia này, vườn tường có thể được đặt ở các vị trí như phòng khách, phòng làm việc, hành lang, ban công... Ngoài ra, vườn cũng có thể được lắp đặt ở ngoại thất như mặt tiền nhà, sân vườn hoặc sân thượng.
Còn theo ông Phúc An Khang (Công ty thiết kế cảnh quan Cây cảnh hiếm Việt Nam), nhiều gia chủ còn đặt vườn treo ở khu hồ bơi, phòng bếp và cả phòng tắm. Tuy nhiên, ông khuyến cáo gia chủ không nên lắp vườn treo ở phòng ngủ vì lo ngại lượng carbonic và độ ẩm sinh ra sẽ không tốt cho sức khỏe.
Ông Khang cho biết cấu tạo của một vườn treo cơ bản sẽ gồm bộ khung sắt để đặt cây, nhựa chống cháy, chậu cây, đèn quang hợp và hệ thống tưới tự động. Một số chủ nhà sẽ bố trí thêm cảnh quan giả đá, hồ cá... tùy nhu cầu.
Bộ khung (module vườn) sẽ được thiết kế dựa vào hiện trạng nhà và yêu cầu của gia chủ, thường làm từ kim loại hoặc nhựa, giúp giữ vững cấu trúc của vườn. Trước khi treo khung, cần vệ sinh, xử lý nứt và chống thấm bề mặt tường lẫn sàn nhà. Nếu làm vườn ở ban công, sân thượng, tốt nhất là thi công sàn 2 lớp để đảm bảo chống thấm.
Hệ thống tưới tự động thường gồm 3 hệ: vòi xòe nhỏ giọt, phun sương và phun khói vi sinh. Tùy vào loại cây và thời điểm trong ngày, gia chủ có thể lựa chọn giải pháp tưới phù hợp.
Ngoài ra, hệ thống tưới còn tích hợp thêm ống thoát nước để đảm bảo nước thừa được thải ra ngoài, tránh ngập úng. Nhiều gia đình thiết kế hồ thả cá bên dưới vườn treo, dùng nước ở hồ bơm lên hệ thống tưới cây, sau đó nước tiếp tục chuyển xuống hồ nuôi cá. Giải pháp này tiết kiệm nước và tạo thêm cảnh quan thiên nhiên cho nhà.
Vườn treo cho nhà hạn chế diện tích, phía trên là đèn quang hợp cho cây. Ảnh: Phúc An Khang
Ông Khang cho biết, trung bình một vườn treo có diện tích từ 10-15 m2, cũng có trường hợp vườn chỉ 1-2 m2 nếu diện tích nhà hạn chế. Chi phí dao động 6-7 triệu đồng một m2 nếu dùng vật tư cơ bản, 10-12 triệu đồng một m2 với vườn đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều thành phần trang trí.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, vườn treo tương đối khó thi công và sử dụng hơn vườn mặt đất bởi yêu cầu hệ thống tưới tiêu và chăm sóc thường xuyên. Khi đặt cây trên tường, nếu lắp đặt khung treo chưa đạt chuẩn, không thoát nước, phần tường của nhà sẽ bị thấm, ẩm mốc. Ngoài ra, cây, hoa trồng ở vườn treo cũng phải chọn kỹ sao cho phù hợp với điều kiện ánh sáng và nhiệt độ của nhà.
Ông Hiệu khuyên nếu vườn đặt trong nhà, ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, gia chủ nên ưu tiên cây dương xỉ, vạn niên thanh, còn nếu muốn điều tiết không khí hiệu quả, cây thường xuân, muống nhật, lan ý sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, trầu bà, lan chi, lan điếu trúc cũng thích hợp trồng trong nhà.
"Nếu gia chủ làm vườn treo ở ban công, sân thượng, nên dùng cúc tần, cẩm thạch, dạ yến thảo... vì những cây này ưa nắng", ông Hiệu nói.
Ngoài ra, ông Phúc An Khang khuyến cáo gia chủ nên định kỳ bảo dưỡng hệ thống tưới tiêu, tránh để côn trùng làm tắc nghẽn, gây cặn. Chú ý đến mật độ cây trên khung, tránh quá dày hoặc thưa thớt sẽ tạo điều kiện cho các loài côn trùng phát triển.
Bình Nghi
Đăng thảo luận