Vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi xanh là cơ hội để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, nhưng cũng là thách thức khi chi phí đầu tư không hề nhỏ.
"Hiện đại nhưng hại điện", TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, ví von khi nói về nhiệm vụ chuyển đổi kép (vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh) của các doanh nghiệp.
Ông lấy ví dụ với việc phát triển mạng 5G. Khi sử dụng 5G sẽ tốn năng lượng gấp ba lần cả 2G, 3G và 4G cộng lại. "Điều này cho thấy bài toán tiết kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng khi công nghệ phát triển", ông nói tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 do VnEconomy và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 16/10.
Nhờ chuyển đổi kép, doanh nghiệp có thể nâng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu qua đó sẽ dần được cải thiện.
Nhiều doanh nghiệp cũng ý thức phải "vừa chuyển đổi số, vừa xanh" trong bối cảnh hiện nay.
Là đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh may mặc xuất khẩu, PPJ Group càng ý thức hơn về yêu cầu phải chuyển mình để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi hàng hóa sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group, họ đã chủ động chuyển đổi kép từ trước dịch Covid do hướng tới thị trường toàn cầu ngay từ đầu. Nhờ đó, họ có thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ về khoa học, công nghệ lõi, tránh trở tay không kịp khi biến cố xảy ra. Tại đây, công nghệ góp phần khống chế lượng nước tiêu thụ để sản xuất quần jean chỉ bằng một cốc nước.
Tuy nhiên, để làm được điều đó đi kèm áp lực không hề nhỏ, đặc biệt về tài chính. Theo đại diện PPJ Group, 5 năm qua họ đầu tư tới 5 triệu USD cho phần cứng và phần mềm và hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh. "Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi kép rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển sẽ lớn hơn nhiều lần", ông Hùng nói.
Tài chính cũng là vấn đề mà TH Group nhận thấy trong quá trình chuyển đổi kép khi sở hữu đàn bò sữa lên tới 70.000 con.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Anh Kiệt
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống chip gắn vào chân, cổ của bò để theo dõi sức khỏe, sản lượng sữa, thời điểm động dục, từ đó quản lý sinh sản. Cung cấp thức ăn cho bò cũng được tự động hóa 100% từ khâu lập khẩu phần, phối trộn chế biến đến từng chiếc xe đi đúng tới cửa mỗi chuồng. Chất thải trong trang trại cũng được phân tách và xử lý thành phân bón vi sinh, không chỉ dùng trong canh tác mà còn bán ra thị trường.
Nhờ áp dụng chuyển đổi kép, tập đoàn dần hình thành chuỗi tuần hoàn, hướng tới tối ưu chi phí. Mỗi năm các tấm pin mặt trời lắp trên mái nhà máy có thể tự sản xuất khoảng 8 triệu kWh. Thay vì nguyên liệu hóa thạch, gỗ dăm được đưa vào để đốt nồi hơi, giảm thiểu 85% tổng lượng phát thải nhà kính so với 2021, giảm 70% phát thải metan so với cách xử lý thông thường.
Do cần nguồn vốn ban đầu lớn nên ông Ngô Minh Hải đánh giá với nhiều doanh nghiệp, tư duy chuyển đổi kép mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.
Để đáp ứng các chỉ tiêu, theo ông Đặng Vũ Hùng, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thiết bị về đo lường, đánh giá về môi trường và vạch ra lộ trình để phát triển bền vững.
Theo các doanh nghiệp, hiện Việt Nam thiếu nguồn nhân lực giàu kỹ năng, bản lĩnh để kịp thời nắm bắt, làm chủ công nghệ. Một số bên đã phải thuê nhân lực nước ngoài đảm nhiệm nhân sự chủ chốt từ trung đến cao cấp, tạo ra hiệu quả nhanh hơn. "Việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để thẩm định một dự án xanh cũng khiến việc cấp tín dụng xanh gặp nhiều trở ngại", ông Hùng nói thêm.
Ở góc độ cơ quan quản lý, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi kép hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Điều này dẫn đến hệ quả là các cơ quan hoạch định chính sách thiếu số liệu thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, sát sườn hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp cá,c cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp về nền tảng, TS Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng để giải tỏa phần nào áp lực trong chuyển đổi kép, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy văn hóa sáng tạo ngay từ bên trong. Theo đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng hạ tầng số, không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng quốc gia mà còn nên phát triển nền tảng riêng của mình như AI. Nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để thành công.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn được phê duyệt vào năm 2022 đã nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. TS Cấn Văn Lực đề xuất sớm ban hành danh mục và phân loại xanh, từ đó mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều yếu tố xanh khác. Việc này sẽ góp phần sớm có kế hoạch hành động, cụ thể hóa việc phát triển kinh tế tuần hoàn đã nêu ra này.
Đức Mạnh
Đăng thảo luận