Tổng thống Biden kêu gọi Tel Aviv "đáp trả tương xứng", không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran để trả đũa vụ tập kích tên lửa.
Tổng thống Biden trả lời phóng viên tại căn cứ quân sự Andrews ở Maryland ngày 2/10.
"Câu trả lời là không", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên hôm 2/10 khi được hỏi liệu ông có ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran như những lời đe dọa lâu nay hay không.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Iran "đã đi chệch hướng", tuyên bố Washington sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với Tehran và ông sẽ sớm đối thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. "Chúng tôi sẽ thảo luận với đối tác Israel về những gì họ sẽ làm. Tất cả thành viên nhóm G7 đều đồng tình rằng họ có quyền đáp trả nhưng nên thực hiện một cách tương xứng", ông cho hay.
Bình luận được ông Biden đưa ra một ngày sau khi Iran khai hỏa gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Iran "đã phạm sai lầm và sẽ phải trả giá".
Ông Netanyahu ngày 2/10 triệu tập cuộc họp với các quan chức an ninh hàng đầu tại sở chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Tel Aviv nhằm thảo luận về các biện pháp đáp trả đòn tập kích của Iran.
Bức ảnh được Văn phòng Thủ tướng Israel công bố cho thấy ông Netanyahu họp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, tư lệnh IDF Herzi Halevi, giám đốc cơ quan tình báo Mossad David Barnea và giám đốc tình báo Shin Bet Ronen Bar. Trợ lý quân sự và chánh văn phòng của Thủ tướng Israel cũng có mặt trong cuộc họp.
Truyền thông Israel dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Tel Aviv có thể đáp trả Tehran bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng chiến lược, như giàn khoan dầu, hoặc tập kích các cơ sở hạt nhân nước này. Các vụ ám sát và tấn công và hệ thống phòng không Iran cũng được xem xét, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Nguồn tin am hiểu tình hình ở Washington cho biết các quan chức Israel đã thông báo với phía Mỹ rằng họ đang hoàn thiện danh sách mục tiêu, thời gian và cách thức đáp trả cuộc tấn công của Iran. Nguồn tin này nói rằng Israel có thể không đáp trả ngay lập tức, song cũng sẽ không chờ đợi lâu vì lo ngại "hành động trả đũa có thể mất hiệu quả răn đe nếu bị trì hoãn".
Khác với cuộc tập kích của Iran hồi tháng 4, Mỹ không gây sức ép buộc Israel kiềm chế trả đũa, thay vào đó Washington muốn Tel Aviv cân nhắc cẩn thận hậu quả tiềm tàng trước khi hành động.
Israel từ lâu coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, dù Tehran khẳng định không phát triển vũ khí hạt nhân. Các cơ sở hạt nhân Iran nằm rải rác ở nhiều địa điểm, một số trong đó nằm sâu dưới lòng đất.
Iran năm 2015 đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.
Mỹ năm 2018 rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả, đồng thời mở rộng chương trình làm giàu uranium, rút ngắn khoảng thời gian họ cần để sản xuất đủ uranium cấp vũ khí cho một quả bom hạt nhân xuống còn vài tuần, thay vì ít nhất một năm như trước.
(Theo VnExpress)
Đăng thảo luận