Chi phí học đại học ngày càng đắt đỏ, trong khi bằng đại học cũng không còn là 'bảo hiểm' cho sự nghiệp ổn định với Gen Z chúng tôi.
Tôi đồng ý rằng bằng đại học rất giá trị, khi cung cấp cho người học không chỉ kiến thức, mà còn là tư duy. Nhưng mỗi thời mỗi khác, đầu tiên mức độ cạnh tranh ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Thế hệ 8X gia nhập thị trường lao động khi nhiều cơ hội còn rộng mở, số người học đại học còn ít. Đến thế hệ Gen Z của chúng tôi bây giờ, thị trường lao động đã cạnh tranh quá khốc liệt rồi.
Hiện, nhà tuyển dụng yêu cầu một sinh viên mới ra trường rất nhiều thứ, không chỉ mỗi tấm bằng đại học mà còn là trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc... Chưa kể, nhiều bạn còn phải làm trái ngành nghề, thậm chí phải chạy xe công nghệ vì không cạnh tranh nổi một công việc đúng chuyên môn vì thị trường bão hòa, cung nhiều hơn cầu.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phần lớn tập trung ở mảng gia công, nên chúng ta vẫn cần nhiều "thợ" hơn là "thầy". Điều đó khiến tấm bằng đại học dần mất đi giá trị của nó.
Thứ ba, đại học xét cho cùng cũng là một khoản đầu tư. Nhưng chi phí học đại học ngày càng đắt đỏ, khi các trường tự chủ tài chính, cộng thêm việc bằng đại học cũng không còn là "bảo hiểm" cho sự nghiệp ổn định, dẫn đến khoản đầu tư này không còn an toàn và đáng giá nữa. Vậy nên, nhiều người đã không còn chọn học đại học nữa.
>> '40 tuổi mới nhận ra giá trị của tấm bằng đại học'
Theo tôi, chương trình giáo dục của chúng ta vẫn đặt nặng về nhồi nhét kiến thức, nhưng coi nhẹ tư duy logic, và ít khi khuyến khích học sinh sáng tạo. Trong khi đó, kỹ năng tự học rất quan trọng vì chúng ta cần phải học cả đời, nhưng 12 năm đi học lại chẳng được dạy. Và tư duy logic mới chính là thứ cần cho học sinh mài giũa trong suốt nhưng năm tháng đến trường, nhưng lại bị ngó lơ.
Điều đáng buồn là nền kinh tế Việt Nam phần lớn mảng sản xuất vẫn là gia công, chưa coi trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, dẫn đến bậc đại học và sau đại học không có đất dụng võ. Cứ nhìn số Tiến sĩ "ngồi chơi xơi nước" hoặc phải đi làm thuê do không có kinh phí nghiên cứu là đủ thấy thực tế đáng buồn.
Đầu tư cho R&D (Research and Development) ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với các nước phát triển (chỉ chi có 0,43% GDP, trong khi các nước phát triển thường chi hơn 1%). R&D là mấu chốt giúp một quốc gia nắm công nghệ lõi và tự chủ sản xuất, nhưng đòi hỏi đầu tư lâu dài và luôn có rủi ro sẽ thất bại. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp người Việt thường thích cái lợi trước mắt, ít muốn rủi ro, nên họ ít khi đầu tư vào nghiên cứu như các doanh nghiệp nước ngoài.
- 'Bằng đại học ngày càng mất giá'
- Tôi ngán ngẩm vì sinh viên tốt nghiệp không biết viết email
- Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
- Cử nhân thất nghiệp với tấm bằng đại học 'cơm trắng'
- Em sinh viên của tôi bỏ học để xuất khẩu lao động Đài Loan
- Tôi không để con chọn đại học theo ý thích rồi về báo nợ tiền tỷ
Đăng thảo luận