Thanh HóaMột cô giáo bị "khiển trách", bốn người "rút kinh nghiệm", khi nhập nhầm điểm, khiến một học sinh từ thủ khoa thành trượt lớp 10, theo đề xuất của trường.

Ngày 10/10, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là kết quả từ Hội đồng kỷ luật trường THPT Ngọc Lặc.

Trường này đảm nhiệm việc chấm, lên điểm của những thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 trường Lê Hồng Phong, cách đây bốn tháng. Trong đó, một nam sinh trở thành "thủ khoa" với 39,4/50 điểm, nhưng sau khi thanh tra, điểm thực tế của em chỉ đạt 24,4. Nam sinh đã bị buộc thôi học, do điểm chuẩn là 28,4.

Cô giáo Ngô Thị Tuyết, người tham gia khâu hồi phách tại phòng thi của em này, bị khiển trách. Cô là người đọc điểm từ bài thi để nhập vào hệ thống.

Bốn người khác được yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trong đó có ông Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng trường Ngọc Lặc.

Theo quy định, nhân sự trường THPT thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo. Do đó, Sở sẽ xem xét và đưa ra phương án kỷ luật cuối cùng.

Bốn hình thức kỷ luật với viên chức hiện nay là: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức, Buộc thôi việc. Mức độ xử lý mà Hội đồng kỷ luật trường THPT Ngọc Lặc đưa ra là nhẹ nhất.

Đề xuất khiển trách một giáo viên vụ 'thủ khoa' bị giảm 15 điểm  第1张

Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: Lam Sơn

Vụ việc bắt nguồn từ tháng 9, khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nhận được khiếu nại về nam sinh đỗ "thủ khoa" trường THPT Lê Hồng Phong. Người làm đơn cho biết em này chỉ đạt học lực trung bình ở cấp hai nên nghi ngờ kết quả "có vấn đề".

Thanh tra Sở đã rút bài thi của nam sinh ra để xem lại và phát hiện sự chênh lệch giữa kết quả do giám khảo chấm với điểm công bố. Cụ thể, điểm trên bài thi là Toán 4,5, Văn 6,5, Tiếng Anh 2,4, nhưng trên phiếu nhập điểm, em này lần lượt đạt 8-8,5-6,4.

Chánh Thanh tra Sở cho biết lỗi nằm ở tổ hồi phách, lên điểm của Hội đồng chấm thi THPT Ngọc Lặc. Ông Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng THPT Ngọc Lặc, kiêm Chủ tịch Hội đồng chấm thi nói "do áp lực, mất tập trung nên đã ghi nhầm điểm của thí sinh" chứ không cố ý.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá đây là vụ việc hy hữu, khẳng định "không có yếu tố tiêu cực". Sở đã gặp gỡ gia đình và xin lỗi, tư vấn cho nam sinh theo học trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng chưa được đồng thuận.

Trong đơn khiếu nại, mẹ nam sinh cho biết sự việc khiến bản thân suy sụp, con trai bỏ ăn, có dấu hiệu trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực. Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, chị đề nghị cho con tiếp tục theo học tại trường THPT Lê Hồng Phong "để ổn định tâm lý". Song, Sở cho rằng không có căn cứ, vì nam sinh không đủ điểm đỗ.

Kỳ thi vào lớp 10 công lập của tỉnh Thanh Hóa năm nay có hơn 45.500 thí sinh, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 82%. Trước sự việc này từng có 6 thí sinh bị nhầm điểm khi thi vào trường THPT chuyên Lam Sơn. Sau phúc khảo, một em được tăng từ 1 lên 9 điểm Toán chuyên, từ trượt thành đỗ.

Trong cả nước, một số địa phương cũng để xảy ra nhầm lẫn, ở khâu ghép phách. Nổi cộm nhất là trường hợp của Thái Bình khi gần 1.600 thí sinh bị công bố sai điểm thi lớp 10, hàng trăm em từ trượt thành đỗ và ngược lại.

Hiện quy trình làm phách ở các kỳ thi thường gồm các khâu: gieo phách và đánh phách (số phách được gieo ngẫu nhiên từ phần mềm máy tính, rồi được viết vào ô quy định trên tờ giấy thi. Mỗi bài thi chỉ có một mã phách); Rọc phách; Chuyển bài thi đã rọc phách đến tổ chấm; Ghép phách (hồi phách).

Ở khâu cuối, sau khi khớp phách, cán bộ làm thi đọc điểm để nhập vào máy tính và điền tay vào phiếu giấy.