YênBái - Trong vài năm trở lại đây, bằng những quyết sách năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi để phát triển du lịch một cách mạnh mẽ Yên Bái đã đưa ngành du lịch thực sự phát triển, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh từ du lịch tâm linh, sinh thái, bản sắc dân tộc đến du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng…từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Du khách quốc tế thích thú khám phá, trải nghiệm nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải.
>> Đưa du lịch thành phố Yên Bái trở thành ngành kinh tế quan trọng
>> Yên Bái tập trung nguồn lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển
Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái lại là "cửa ngõ” của vùng Tây Bắc và nằm trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cảnh quan vẫn còn nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ. Không chỉ có vậy, Yên Bái còn có truyền thống văn hóa lâu đời cùng với cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Tày, Thái, Mường, Mông, Dao… với những bản sắc văn hóa riêng có. Đó là những tiềm năng, lợi thế và là cơ sở để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế chủ lực.Không nóng vội, không triển khai ào ào theo phong trào mà với phương châm làm làm đến đâu chắc đến đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với số vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng, đồng thời quy hoạch cụ thể các vùng du lịch trọng điểm như: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên).
Đồng thời thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông, tích hợp vào quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông 2020-2030, tầm nhìn đến 2050. Từ sự nỗ lực, cách làm bài bản, căn cơ đến nay đã phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch là: tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; tâm linh và du lịch mạo hiểm.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nhưng đã tiên phong và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các hoạt động lễ hội phục vụ du lịch, tổ chức nhiều lễ hội mới hấp dẫn, quy mô lớn gắn với những tài nguyên du lịch đặc thù trên địa bàn huyện như: Lễ hội hoa tớ dày, Lễ hội hoa sơn tra, Hội thi đánh quay người Mông, Festival Khèn Mông. Tổ chức các đội cung cấp các dịch vụ du lịch gắn với văn hóa người Mông bản địa như: trải nghiệm thêu dệt thổ cẩm, canh tác lúa trên ruộng bậc thang; trò chơi dân gian và thể thao dân tộc...
Bên cạnh đó, các cơ sở hoạt động du lịch không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch. Tính đến hết tháng 8/2024 toàn tỉnh có 562 cơ sở lưu trú, trong đó có 294 khách sạn, nhà nghỉ với 3.821 buồng, gần 6.000 giường, 15 khách sạn đạt từ 1 sao đến 3 sao; 268 cơ sở đang hoạt động kinh doanh homestay.
Song song với đó là 5 doanh nghiệp lữ hành du lịch (3 nội địa, 1 lữ hành quốc tế, 1 đại lý). Nhờ làm tốt công tác phát triển du lịch, từ một địa phương không có tên trên "bản đồ du lịch” thì nay Yên Bái đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Chỉ tính trong 8 tháng năm 2024, Yên Bái đã đón 1,6 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đạt 94,2% kế hoạch năm, tăng 24,7% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng.
Những con số "biết nói” trên đã minh chứng rõ nét cho sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch Yên Bái. Tuy nhiên, để đưa du lịch Yên Bái phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác chúng ta cần tiếp tục với sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận, trách nhiệm của mỗi người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch.
Tiếp tục triển khai, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch. Đặc biệt triển khai tốt Đề án văn hóa, du lịch tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ.
Đưa các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh khuyến khích, kích cầu sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào phát triển du lịch trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan thường xuyên nắm chắc thực tế cơ sở tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2024-2030 đảm bảo quy trình, đúng quy định, sát thực tế. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn, chất lượng du lịch…phải xử lý nghiêm để giữ thương hiệu du lịch Yên Bái.
Những đơn vị còn khó khăn, vướng mắc các địa phương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án hỗ trợ, giải quyết theo thẩm quyền. Cập nhật các điểm quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn đã được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Hướng dẫn các nhà đầu tư trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, nhất là các khu du lịch trọng điểm.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp xây dựng phát triển du lịch không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất không đúng mục đích. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, đồng thời tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp là một vấn đề sống còn trong phát triển du lịch…
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tự đổi mới và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng du lịch trọng điểm, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với phương châm "sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, vệ sinh môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”...
Định hướng có, quy hoạch đồng bộ, cơ chế chính sách rõ ràng, với sự vào cuộc đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và mỗi người dân chắc chắn du lịch Yên Bái sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ.
Thanh Phúc
Tags Yên Bái du lịch văn hóa du lịch tâm linh sinh thái bản sắc
Đăng thảo luận