Lá sen, lá chuối, lá bàng... tưởng chừng là rác thải lại được nhóm bạn trẻ từ Trường đại học Công nghiệp TPHCM 'hô biến' thành những chiếc chén đĩa lạ mắt, độc đáo.

Độc đáo chén đĩa làm từ lá cây  第1张

Nhiều khách tham quan thích thú hít hà mùi thơm của những chiếc chén, đĩa lá cây - Ảnh: NHẬT XUÂN

Tại Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh 2024 (GRECO 2024) đang diễn ra trên trục đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), nhiều khách tham quan phải dừng chân khi ngang qua gian hàng trưng bày các loại chén, đĩa làm từ lá sen, lá chuối, lá bàng... đến từ các bạn trẻ thuộc Trường đại học Công nghiệp TPHCM.

Đẹp, thơm, thân thiện môi trường

Những chiếc chén, đĩa bằng lá cây không chỉ gây ấn tượng bởi độ cứng cáp, dày dặn, mẫu mã, kiểu dáng đa dạng mà còn được in logo trông vô cùng chuyên nghiệp. Điều thú vị hơn cả là những sản phẩm này vẫn giữ nguyên được hương thơm ngai ngái tự nhiên của lá khô.

Độc đáo chén đĩa làm từ lá cây  第2张

Những chiếc bát lá cây không những đựng nước không bị rò rỉ mà còn phân hủy nhanh chóng sau khi sử dụng, thậm chí có thể ủ làm phân bón cho cây trồng sau khi dùng xong - Ảnh: NHẬT XUÂN

Chia sẻ về ý tưởng này, PGS.TS Lê Hùng Anh - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) - cho hay ý tưởng làm chén, đĩa lá cây bắt đầu từ 5-6 năm trước. Khi đó, nhóm nghiên cứu đã thành công với các sản phẩm từ mo cau, mo cau sau đó được thương mại hóa thành công, thậm chí xuất ngoại.

Tuy nhiên sản phẩm từ mo cau gặp nhiều hạn chế về nguồn cung. Từ đó ý tưởng sử dụng các loại nguyên liệu dồi dào hơn như lá chuối, lá sen, lá bàng ra đời...

Theo ông Hùng Anh, các loại lá cây sau khi thu lượm được làm sạch và ép chặt dưới áp lực và nhiệt độ cao. Quy trình này giúp tạo hình cho chén, đĩa, giúp chúng có thêm tính năng chống thấm nước, chống ẩm mốc, khử khuẩn và có độ bền tương đương với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Không chỉ phát triển chất lượng của bát đĩa từ lá cây, ông Hùng Anh cho hay nhóm còn phát triển thêm nhiều khuôn in khác nhau, đáp ứng đa dạng và kích thước, mẫu mã thị trường, thậm chí có thể in logo chìm lên sản phẩm để quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Mong muốn thay thế cho bát, đĩa sử dụng 1 lần

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường chia sẻ mục tiêu dài hạn của nhóm nghiên cứu là đưa sản phẩm chén đĩa từ lá cây có thể thay thế các loại chén đĩa nhựa dùng một lần. Nhóm kỳ vọng sản phẩm có thể được sử dụng rộng rãi tại các sự kiện lớn, nhà hàng hay khu du lịch, các lễ hội ẩm thực.

  • Doanh nghiệp Việt tăng sản xuất, xuất khẩu hàng tái chế

  • Túi ni lông, bao tải... thời trang tái chế của sinh viên cuốn hút như 'hàng hiệu'

Lấy ví dụ tại Côn Đảo, ông Hùng Anh cho hay lá bàng tại đây rụng rất nhiều, thay vì để chúng trở thành rác thải, người dân địa phương có thể thu gom lá bàng để sản xuất chén đĩa cung cấp cho các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

"Quy trình sản xuất chén đĩa từ lá cây vô cùng đơn giản, dễ dàng, ai cũng làm được, phù hợp với các hộ kinh doanh gia đình nhỏ, làm luôn ngay tại địa phương. Điều này vừa đồng thời giúp phát triển kinh tế bản địa, vừa thúc đẩy xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường", ông Hùng Anh nhận xét.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng Anh, các khu nghỉ dưỡng, homestay có thể sử dụng chén đĩa từ lá cây để tạo ấn tượng với du khách quốc tế. Khách hàng vừa cảm nhận sự mới lạ từ chén đĩa, đồng thời thấy rõ cam kết về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Không chỉ có ưu điểm so với chén, đĩa sử dụng 1 lần. So với các sản phẩm truyền thống như chén, đĩa sứ, ông Hùng Anh phân tích chén đĩa từ lá cây có ưu điểm về môi trường.

Theo đó, quá trình sản xuất chén đĩa sứ thường tạo ra phát thải CO2 do phải khai thác nguyên liệu từ đất, nung qua nhiệt độ cao. Trong quá trình sử dụng, chén đĩa sứ cũng tốn kém nước rửa, đặc biệt tại các nhà hàng sử dụng máy rửa bát, chưa kể chi phí nhân công.

Thêm vào đó, chén đĩa sứ rất khó phân hủy sau khi sử dụng. Ngược lại, chén đĩa từ lá cây có thể phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, thậm chí có thể biến các sản phẩm sau sử dụng thành phân bón hữu cơ, góp phần cải thiện môi trường đất.