4 dự án trọng điểm quốc gia nối liên vùng Đông Nam Bộ hiện ra sao?
(Dân trí) - Sân bay Long Thành, ga T3 Tân Sơn Nhất, Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là những dự án trọng điểm quốc gia, sẽ thúc đẩy giao thương, phát triển vùng Đông Nam bộ.
Khởi công trong các năm 2021, 2022 và 2023, cả bốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Vành đai 3 TPHCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nay đã dần rõ hình hài.
Đây đều là các dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách được Chính phủ và người dân cả nước quan tâm, với kỳ vọng sớm hoàn thành để khơi thông điểm nghẽn vùng Đông Nam bộ và góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án vành đai 3 TPHCM đi qua bốn địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án có chiều dài khoảng 76,34km, với tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng. Công trình đã được các địa phương khởi công từ tháng 6/2023, với kỳ vọng cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Tính đến tháng 9, toàn dự án qua TPHCM đạt khoảng 14%, Đồng Nai 6,2%, Bình Dương hơn 20% và Long An đạt 35%. Riêng dự án thành phần 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) dài 6,3km do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đạt hơn 65% tổng sản lượng và dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025.
Trong khi đó, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Đến nay, nhà ga đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, cơ bản hoàn thành dầm sàn các lầu. Từ cuối tháng 8, nhà thầu bắt đầu lắp đặt kết cấu thép mái nhà ga. Dự kiến trước ngày 31/8/2026, dự án hoàn thành toàn bộ nhà ga.
Sau 10 tháng khởi công xây dựng, công trình nhà ga hành khách được cách điệu từ hình ảnh hoa sen của sân bay Long Thành đã thành hình (Ảnh: Phước Tuần).
Về đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành, nhà thầu đang đẩy nhanh đào đắp, thi công bê tông. Thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác đã sản xuất xong, sẽ vận chuyển về Việt Nam tháng 10, và lắp đặt vào tháng 12 và hoàn thành hạng mục đường băng trước ngày 30/4/2025.
Với 2 tuyến giao thông kết nối T1 và T2, liên danh nhà thầu đang cấp phối đá dăm, bắt đầu rải thử gia cố xi măng; cầu đang thi công kết cấu nhịp. Đến nay, 2 tuyến giao thông đã hoàn thành khoảng 55% khối lượng công việc, dự kiến cuối năm 2025 thông xe.
Về đài kiểm soát không lưu (cao 123m), các nhà thầu hoàn thành thi công toàn bộ phần bê tông trong tháng 9, sau đó lắp đặt kết cấu thép và thiết bị và cơ bản hoàn thiện đài kiểm soát không lưu vào 30/4/2025.
Ở phía TPHCM, tiến độ dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng tiến triển khả quan, thậm chí vượt tiến độ và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025. Đến nay phần thô nhà ga đã hoàn thành 100%, xây dựng thô kiến trúc nhà ga 80%, kết cấu thép 70%, các hạng mục còn lại cũng đang được thực hiện song song.
Trong lần trở lại kiểm tra công trường hồi tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kết quả tích cực của dự án. Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh xây dựng các công trình thuộc phần cầu, kết nối hệ thống giao thông với nhà ga T3.
Ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành vào 30/4/2025 (Ảnh: Thư Trần).
Cuối cùng là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sau hơn một năm thi công, 19,5km cao tốc đã dần thành hình, mục tiêu thông xe kỹ thuật cuối tháng 4/2025 và đưa vào sử dụng sau 5 tháng.
Tuyến đường này sẽ tạo sự liền mạch từ TP Biên Hòa đến TP Vũng Tàu, rút ngắn thời gian TPHCM tới thành phố biển từ 120 phút xuống còn 70 phút.
Toàn tuyến cao tốc dài gần 54km, quy mô 4-6 làn xe, với tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn 3 (hiện đạt hơn 40% khối lượng); Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đoạn hai dài 18,2km; tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư đoạn còn lại 16km.
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km đã dần thành hình, vượt tiến độ (Ảnh: Nam Anh).
Đăng thảo luận