Công nhân Hãng chế tạo máy bay Boeing khu vực Bờ Tây đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo 96%, để tiến hành đình công.
Công nhân nhà máy Boeing xếp hàng chờ tới lượt bỏ phiếu đình công ở Washington, ngày 12-9 - Ảnh: REUTERS
Theo ông Jon Holden, chủ tịch Hiệp hội Thợ máy và Công nhân hàng không vũ trụ quốc tế (IAM), 94,6% công nhân theo giờ đã bác thỏa thuận hợp đồng ban đầu và 96% bỏ phiếu ủng hộ đình công.
"Các thành viên của chúng tôi đã lên tiếng rất rõ ràng tối nay", ông Holden nói ngày 12-9. "Chúng tôi sẽ đình công vào lúc nửa đêm".
Cuộc đình công sẽ buộc hai nhà máy lắp ráp máy bay lớn tại khu vực Puget Sound (bang Washington) phải tạm ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến khoảng 33.000 công nhân.
Theo báo cáo từ Ngân hàng đầu tư TD Cowen, nếu xảy ra cuộc đình công kéo dài 50 ngày, Boeing có thể chịu thiệt hại từ 3-3,5 tỉ USD.
Đây là cuộc "nổi dậy" mới nhất của các nghiệp đoàn, sau hàng loạt cuộc đình công gần đây trong các ngành công nghiệp như ô tô và giải trí.
Dưới sự lãnh đạo của CEO mới, ông Kelly Ortberg, Boeing đã kỳ vọng rằng mức tăng lương 25% trong bốn năm và cam kết đầu tư vào khu vực Puget Sound sẽ giúp ngăn chặn một cuộc đình công, trong bối cảnh công ty đang nỗ lực ổn định tình hình sau nhiều vụ bê bối về an toàn.
CEO Ortberg lập luận rằng mức tăng lương chung lần này là lớn nhất trong lịch sử và rằng một cuộc đình công "sẽ đặt sự phục hồi chung của chúng ta vào tình thế nguy hiểm, làm xói mòn lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng đến khả năng định hướng tương lai của chúng ta".
CEO Boeing phải điều trần vì chất lượng máy bay
CEO Boeing nhận lỗi vụ máy bay bung cửa trên không
Tuy nhiên, các công nhân phản ứng mạnh mẽ với thỏa thuận này. Họ yêu cầu tăng lương 40%.
Các điểm bất đồng khác bao gồm việc thỏa thuận không khôi phục chương trình lương hưu, cũng như cam kết của Boeing trong việc sản xuất máy bay tiếp theo tại khu vực Seattle.
Các nhà phê bình cho rằng đây là một "cam kết rỗng tuếch", vì không có hứa hẹn nào sau khi hợp đồng bốn năm kết thúc.
"Họ nói về việc tăng lương 25% nhưng thực tế thì không phải vậy", ông Paul Janousek - người đã bỏ phiếu ủng hộ đình công sau khi kết luận rằng thông tin của Boeing là "gây hiểu sai" - nói.
Ông Janousek, 55 tuổi, đã làm việc tại Boeing 13 năm - cho biết mức tăng lương của ông chỉ khoảng 9% sau khi Boeing loại bỏ khoản tiền thưởng hằng năm.
Một số công nhân cũng bày tỏ bất mãn về hai cựu CEO Dennis Muilenburg và Dave Calhoun, những người nhận được hàng triệu đô la khi rời khỏi công ty, mặc dù Boeing đang đối mặt với nhiều khó khăn.
"Đình công không phải là lựa chọn lý tưởng, nhưng đó là điều tốt nhất cho lợi ích lâu dài của bạn", ông Joe Philbin - một thợ cơ khí đã làm việc tại Boeing sáu tháng - cho biết.
Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 đã đóng cửa các nhà máy trong 52 ngày và khiến doanh thu hãng giảm khoảng 100 triệu USD mỗi ngày.
Đăng thảo luận