Đây là đánh chia sẻ của TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công thương) tại tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Hà Nội – 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”, do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, sáng 25/9.
TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh Thanh HảiMô hình kinh tế chuyển dịch tích cực
Khái quát những thành tựu của Hà Nội trong 70 năm qua, TS Lê Quốc Phương đánh giá, TP đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn và toàn diện. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...
Theo TS Lê Quốc Phương, Hà Nội đã có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, khi đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới và đạt được kết quả khá tích cực. Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương.
Hà Nội hiện có một hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh.
Các diễn giả trả lời tại tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Hà Nội – 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”. Ảnh Thanh HảiNgành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế).
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).
Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
“Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hiện, Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước” – TS Lê Quốc Phương đánh giá.
Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả tham dự tọa đàm. Ảnh Thanh HảiKiên định theo mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững
Với những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành đầu tàu, dẫn dắt phát triển Vùng Thủ đô trở nên hiện đại, bền vững.
Nói về vai trò của Hà Nội, TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế.
Về thế mạnh kinh tế, Hà Nội là động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có vị trí đầu mối giao thông thuận lợi để phát triển giao thông đa dạng (đường bộ, sắt, thủy, hàng không) và kết nối dễ dàng với các tỉnh, TP của vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế.
Trong thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút DN. Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể. Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
TS Lê Quốc Phương khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, Hà Nội không nên tập trung theo hướng ưu đãi về thuế, phí… Mà cần phải tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo ra các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đảm bảo theo tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần.
Đăng thảo luận