Ở tuổi 80, họa sĩ Đỗ Đức gây kinh ngạc cho các đồng nghiệp bằng một triển lãm bề thế với 50 bức sơn dầu khổ lớn vẽ núi rừng và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Triển lãm: Non nước biên thùy.
Họa sĩ Đỗ Đức coi miền núi, vùng biên cương Tổ quốc chính là quê hương nghệ thuật của mình - Ảnh: NVCC
Đỗ Đức dành trọn triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam này cho núi và đá, cho những con người chân chất, hồn hậu nơi đây.
Bởi rừng thẳm, sông dài, cao nguyên đá trùng điệp và những con người nơi đây chính là đề tài mà họa sĩ Đỗ Đức theo đuổi suốt một đời. Miền núi, những vùng biên cương trở thành "quê hương nghệ thuật" của ông.
Những bức tranh vẽ "gương mặt đất nước"
Triển lãm diễn ra trong những ngày còn mưa bão nhưng thu hút rất đông bạn bè, người yêu mỹ thuật.
Họa sĩ Phùng Phẩm ở tuổi ngoài 90, mắt mờ chân chậm vẫn đội mưa gió đến ngắm nghía từng bức tranh của đồng nghiệp.
Những cổ tích cao nguyên nằm trong từng viên đá, hốc cây, ngọn cỏ được họa sĩ tài hoa nắm bắt lấy, tái hiện trong tranh ông.
Họa sĩ Phùng Phầm tuổi cao nhưng cũng đến xem kỹ tranh của đồng nghiệp - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngắm Nắng trên dãy Hồng Ngài, Sương sớm rẻo cao, Sườn phía tây Sơn Vĩ, Huyền thoại Khau Vai, Tháng Ba ở Xín Cái, Huyền thoại Khau Vai… nhiều người ngỡ đó là những bài thơ trên đá mà họa sĩ đã khắc tạc.
Đỗ Đức bảo hơn nửa thế kỷ sống và vẽ, ông đã âm thầm gửi trao tình cảm của mình với núi rừng qua tranh.
Đỗ Đức thường vẽ phong cảnh hay đời sống sinh hoạt ở vùng biên cương của Tổ quốc. Nhưng các tác phẩm của ông được những đồng nghiệp đàn anh đánh giá vượt qua giới hạn tranh phong cảnh.
Nó là "những bức tranh về chân dung đất nước, gương mặt đất nước", như nhận xét của cố họa sĩ Anh Thường khi xem tranh Đỗ Đức.
Chủ đề miền núi trong tranh Đỗ Đức được nhiều đồng nghiệp quan tâm, bình luận - Ảnh: T.ĐIỂU
Gửi tình yêu vào đá nhận lại nguồn yêu vô bờ
Họa sĩ Đỗ Đức kể, năm 1973 ông lên Hà Giang lần đầu, đi mấy huyện vùng cao Đồng Văn, Quản Bạ, chỉ 23 ngày, và sau đó, cả cùng biên viễn ấy theo ông suốt cuộc đời làm nghệ thuật.
Nhiều năm điền dã trên núi, từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Đông Bắc, tìm hiểu và chia sẻ với đời sống các sắc tộc thiểu số, ông nhận thêm nhiều giá trị nhân văn kết nối giữa thiên nhiên với con người.
TIN LIÊN QUANHọa sĩ Phùng Phẩm: 'Người nghèo đào vàng' tìm thấy ngọc
Họa sĩ Mộng Bích: chắt đời mình lên tranh
Đỗ Đức bảo ông có thể ngồi hàng ngày trên cao nguyên đá Hà Giang để ngắm biển đá mênh mông hai bên đường vào Khau Vai, Mèo Vạc, Lũng Phìn, Lũng Táo, Phó Là, Phó Cáo, Đồng Văn.
"Nhìn đá cao nguyên như thấy biển người thời tiền sử hóa thạch, như chợ phiên đang họp trên núi.
Đá như tường thành, như đồn lũy. Đá khô khan mà lại là mái che tường rào cho những căn nhà đơn côi bên vách núi.
Sóng đá như nhịp điệu cao thấp, thoát ra từ tiếng khèn, lúc bừng sáng, khi chợt bặt tiếng như gió rừng chợt câm lặng trước vách núi, rồi lại vi vu trong sương sớm từ chân núi bốc lên…", họa sĩ Đỗ Đức, cũng là một cây viết cự phách với hàng chục đầu sách về văn hóa đã xuất bản, dành những lời thương cho đá.
Họa sĩ Đỗ Đức dành cả đời mình để vẽ về miền núi - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngược lại, đá cũng thương ông, đem lại cho ông không biết bao nhiêu năng lượng trong sáng tác. Đó là dải biên thùy vô cùng yêu quý trong ông, không bao giờ ông cạn nguồn yêu thương miền đất đó.
Cho nên, việc họa sĩ dành cả một triển lãm tâm huyết ở tuổi 80 cho đá, cho non nước biên thùy tưởng lạ mà chẳng có gì lạ vậy.
Tranh Đỗ Đức như những bài thơ trên đá - Ảnh: T.ĐIỂU
Hơn 10 năm đồng hành cùng Quỹ từ thiện Hoa của đá, góp công góp của cùng quỹ xây gần 20 ngôi trường cho các bản làng hẻo lánh thuộc các xã vùng cao của tỉnh Hà Giang, trong khuôn khổ triển lãm Non nước biên thùy lần này, họa sĩ Đỗ Đức cũng đấu giá một tác phẩm vào ngày 14-9 để tiếp tục xây trường cho học sinh Hà Giang.
Đăng thảo luận