Lãnh đạo cấp cao của nhà máy Tesla Gigafactory Đức đang cố gắng hạn chế tình trạng nghỉ ốm hàng loạt nhưng theo cách 'chẳng giống ai'.
Gần 20% công nhân nghỉ ốm, lãnh đạo Tesla lái xe tới từng nhà kiểm tra gây bức xúc - Ảnh: Business Insider
Nhà máy Gigafactory đặt tại Berlin, Đức của Tesla đang trải qua chuỗi ngày "kiệt quệ" khó tin. Theo tờ Handelsblatt của Đức, trong tháng 8 vừa qua, tỉ lệ xin nghỉ ốm tại nhà máy này là... 17%, sau đó giảm xuống 11% trong tháng 9 này. Trong khi đó, tỉ lệ nghỉ ốm trung bình tại Đức chỉ 6,1% còn đối với ngành xe Đức là 5,2%.
Dịch cúm diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 được cho là một phần nguyên nhân của làn sóng nghỉ việc tại nhà máy. Tuy nhiên, việc công nhân phải làm việc quá tải được cho là một yếu tố khác dẫn tới kết quả trên. Số lượng người nghỉ ốm cao dẫn tới những người đi làm phải hoàn thành khối lượng công việc lớn hơn và vòng lặp lại cứ thế tái diễn.
Để đối phó với tình hình trên, ban đầu, thương hiệu Mỹ đe dọa sẽ sa thải những công nhân cố tình xin nghỉ ốm mà không có lý do chính đáng. "Chúng tôi không chấp nhận việc nhiều người phải oằn lưng làm việc thay cho những người lười biếng", Giám đốc nhà máy Andre Thierig khẳng định trong một buổi họp nội bộ.
Nhà máy Gigafactory Berlin đã gây tranh cãi ngay từ trước khi xây dựng và đi vào vận hành vì thương hiệu Mỹ nhất quyết... phá rừng xây nhà máy rồi trồng lại cây sau - Ảnh: Tesla
Tuy vậy, tuyên bố cứng rắn của vị lãnh đạo không khiến tình hình khả quan hơn, đơn giản vì chẳng mấy ai thực sự xin nghỉ ốm liên tục vì lười biếng cả.
Tesla sau đó chuyển hướng sang khuyến khích công nhân đi làm để nhận thưởng (1.000 euro cho những ai đi làm 95% số buổi trong tháng). Dù vậy, tình hình vẫn không trở nên khả quan hơn.
Ngay cả trong bối cảnh như vậy, giới lãnh đạo Tesla vẫn một mực tin rằng công nhân của họ không đi làm vì... lười. Vẫn theo tờ Handelsblatt, đích thân nhiều lãnh đạo của Tesla, bao gồm Giám đốc nhà máy Thierig hay Giám đốc mảng quản lý nhân sự Erik Demmler đã tới nhà nhiều công nhân để kiểm tra có ốm thật hay không.
Dù luật pháp Đức không cấm động thái trên, hành động này của giới lãnh đạo Tesla bị đánh giá là coi thường công nhân của mình. Thay vì nhìn vào hiện thực nhà máy và sự quá tải của công nhân, họ lại tìm cách đổ lỗi và tìm lý do, chứ không cùng công nhân nhìn nhận lại và tìm phương hướng giải quyết.
Đăng thảo luận