Đường sắt tốc độ cao có tốc độ thiết kế 350 km/giờ
Liên quan tới báo cáo về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng (người phát ngôn) cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
Tại Việt Nam, dự án đường sắt tốc độ chưa có tiền lệ và lần đầu tiên được triển khai. Vì vậy, mục tiêu, yêu cầu của dự án phải phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam. Đề án này, đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.
Hệ thống đường sắt hiện hữu.
Hiện, Bộ GTVT đã nghiên cứu kinh nghiệm của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác, 6 quốc gia đang xây dựng, các nghiên cứu của quốc tế, tổ chức đoàn công tác khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển, các ý kiến thảo luận từ năm 2010 đến nay và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ các bài học kinh nghiệm cho thấy, các nước có đặc điểm địa kinh tế trải dài như Việt Nam, trường hợp trên cùng một hành lang có đường biển, đường thủy song song với đường sắt, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển kết hợp đường thủy là tối ưu nhất.
Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách là chủ yếu, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; xu hướng lựa chọn tốc độ ngày càng cao; cần có chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt phụ thuộc vào quy mô thị trường và trình độ các ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Về phạm vi, quy mô đầu tư, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh).
Ga Hà Nội.
Có khả năng thu hút khách
Về công nghệ hoạt động của tàu, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray, công nghệ theo hướng mở để có thể tích hợp khai thác nhiều loại tàu, bảo đảm nhiều đơn vị có thể cung cấp phương tiện, tránh độc quyền.
Bộ GTVT nghiên cứu công nghệ chạy trên ray là 1 trong 3 loại hình công nghệ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao. Với công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250 - 350 km/giờ, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn.
Lý giải về việc lựa chọn tốc độ chạy tàu, Bộ GTVT làm rõ, tốc độ thiết kế 250 km giờ mới chỉ qua ngưỡng tốc độ cao, đã phát triển cách đây khoảng 50 năm, chưa thực sự hiện đại và phù hợp với xu hướng của thế giới.
Việc khai thác sẽ không hiệu quả trên hành lang vận tải dài trên 800 km, tập trung nhiều đô thị lớn với mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của Việt Nam. Khi cần nâng cấp lên tốc độ thiết kế 350 km/giờ sẽ không tận dụng được kết cấu hạ tầng, gây lãng phí.
Đăng thảo luận