Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hoàn thành mục tiêu này vì trách nhiệm cao nhất, "tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc ta".
"Vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão"
Chiều 17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu nỗ lực cao nhất, vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão để hoàn thành các dự án cao tốc
Tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhưng qua các khó khăn càng thấy được sức mạnh của nhân dân, của sự đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tương thân tương ái của dân tộc.
Hiện nay thời tiết biến đổi bất thường, bất lợi, Bộ GTVT và các địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão", chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi để triển khai các công việc đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Thủ tướng cho biết, dù khó khăn đến mấy vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong phát triển hạ tầng giao thông chiến lược. Ông yêu cầu toàn bộ máy chính trị phát huy tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão" và giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, thời gian tới phải tiếp tục thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030; hoàn thành các dự án đường sắt, các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài… bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng khẳng định, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, những kết quả, kinh nghiệm và bài học qua các nhiệm kỳ, qua lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiều dự án như đường dây 500 kV mạch 3 Phố Nối (Hưng Yên)-Quảng Trạch (Quảng Bình), dự án sân bay Long Thành… chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công các dự án trọng điểm của ngành giao thông.
"Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người về tài sản, nhưng dù khó khăn bao nhiêu, chúng ta vẫn phải hoàn thành mục tiêu đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; đồng thời áp dụng các bài học kinh nghiệm quý báu trong các dự án trọng điểm ngành giao thông, với trách nhiệm cao nhất, "tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì niềm tự hào của dân tộc ta".
Thủ tướng khái quát 5 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh đến công tác quản lý lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo, chỉ huy: "Quan điểm tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó", người đứng đầu Chính phủ nêu.
Theo Thủ tướng, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh tổng lực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng".
Liên quan đến chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM và đường vành đai 4 Hà Nội, nhiều dự án trọng điểm khác, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kỹ càng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương quyết tâm làm cho được hơn 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Đối với chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh và đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chủ động báo cáo phương án đầu tư.
Đối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 10/2024 TPHCM phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM.
Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, tập trung vào các vị trí đường "găng" để ưu tiên triển khai trước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, tính đến nay, tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.
Sau 13 phiên họp, đến nay cả nước đã hoàn thành 2 dự án/12 dự án thành phần (cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và đoạn Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 674 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.021 km. Cả nước đang xây dựng, thi công khoảng 1.700 km cao tốc và chuẩn bị khởi công 1.400 km cao tốc nữa.
Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025" (do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18/8/2024 tại Đắk Lắk) được sự hưởng ứng, tin tưởng ủng hộ của nhân dân, làm tiền đề hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận