Sáng 6-9, Hội Cổ vật TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề Cổ vật và hành trình gìn giữ hồn di sản, tại Bảo tàng TP.HCM.
Du khách tham quan triển lãm về cổ vật - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cổ vật TP.HCM (9-9-2009 - 9-9-2024).
Trưng bày hơn 100 hiện vật quý
Trưng bày chuyên đề Cổ vật và hành trình gìn giữ hồn di sản giới thiệu hơn 100 hiện vật của 32 nhà sưu tập là hội viên Hội Cổ vật TP.HCM.
Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ
Góp ý Luật Di sản văn hóa sửa đổi: Đề xuất lập quỹ thu mua cổ vật
Các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu như đồng, bạc, gốm… có nguồn gốc, xuất xứ từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Pháp…
Hiện vật đa dạng như trống đồng Đông Sơn, ấm đồng, đĩa, chén trà, pháp lam, bình phong, bình hoa, tượng rồng, hộp bạc, đỉnh xông trầm, bình nước, khay, đôn cảnh, đôn voi... và các vật dụng gia đình khác.
Ông Lê Thanh Nghĩa - chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM - nói với Tuổi Trẻ Online các hiện vật trưng bày lần này có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ I, thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến thế kỷ thứ XX.
Trưng bày chuyên đề Cổ vật và hành trình gìn giữ hồn di sản đón khách tham quan từ ngày 6-9, tại Bảo tàng TP.HCM.
Trống đồng Đông Sơn niên đại thế kỷ I - thế kỷ III trước Công nguyên của nhà sưu tập Nguyễn Chí Hiếu
Quán tẩy pháp lam niên đại thế kỷ XX của nhà sưu tập Nguyễn Văn Nhất
Bộ chóe, ấm của nhà sưu tập Lê Văn Kiên
Đề xuất mở chợ cổ vật
Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cổ vật TP.HCM, ông Lê Thanh Nghĩa đã ôn lại truyền thống lịch sử của hội, những hoạt động tích cực của hội trong thời gian qua.
Ông Nghĩa nhấn mạnh hoạt động hiến tặng cổ vật, di vật quý hiếm, phối hợp tổ chức chuyên đề đã góp phần làm phong phú các hiện vật của các bảo tàng, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, thụ hưởng những giá trị văn hóa của người dân.
Bà Vũ Kim Anh - nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM - kiến nghị Hội Cổ vật TP.HCM phải gắn với các bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM…) tổ chức trưng bày chuyên đề chỉ cần mỗi năm một lần, để tạo sân chơi cho các hội viên, đồng thời làm phong phú thêm hoạt động của bảo tàng.
Bà đề xuất Hội Cổ vật TP.HCM nên có một không gian trưng bày riêng để thường xuyên tổ chức các triển lãm cổ vật cho người dân chiêm ngưỡng.
Đặc biệt bà Anh quan tâm đến việc nên thành lập chợ cổ vật để người yêu cổ vật giao lưu, trao đổi, mua bán những cổ vật, hiện vật an toàn, chất lượng.
Cũng trong sáng nay, Hội Cổ vật TP.HCM tiếp nhận hiện vật do các nhà sưu tập trao tặng cho hội. Dịp này Hội Cổ vật TP.HCM trao giấy chứng nhận kết nạp hội viên mới.
Lân làm từ gốm Cây Mai của Việt Nam, là hiện vật sưu tầm của Huỳnh Nguyễn Việt Hùng
Ấm đồng Việt Nam (thế kỷ XVI, XVII) của nhà sưu tập Nguyễn Chí Hiếu
Đôn cảnh từ gốm Cây Mai (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) của nhà sưu tập Nguyễn Văn Huấn
Đỉnh xông trầm Việt Nam đặt hàng Pháp sản xuất, có niên đại 1871 - 1875 của nhà sưu tập Bùi Hồ Bảo Quốc
Đỉnh đồng, xuất xứ Việt Nam của nhà sưu tập Bùi Hồ Bảo Quốc
Hội Cổ vật TP.HCM (tiền thân là Câu lạc bộ Cổ vật Nam Bộ) được thành lập ngày 9-9-2009, theo quyết định số 4235/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Hội là tổ chức của các cá nhân có cùng sở thích sưu tầm, nghiên cứu cổ vật và có cùng tâm huyết bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Đến nay, Hội Cổ vật TP.HCM có 15 năm hoạt động, là một trong những hội cổ vật có quy mô lớn, có hơn 130 hội viên đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Hội viên có nghề nghiệp khá đa dạng, từ bác sĩ, kỹ sư đến giáo viên, công nhân viên, doanh nhân và cán bộ nghỉ hưu.
Đăng thảo luận